Trường Đại học Khoa Học Tự nhiên

Cơ sở 1: 227 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, TP Hồ Chí Minh

Cơ sở 2: Khu phố 6, Phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh

Làm thế nào để tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân?

15:12, 28/06/2020
5382
0
Làm thế nào để tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân?

Làm thế nào để tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân?

Cuộc sống là một chuỗi những sự lựa chọn mà chúng ta không biết chắc cái nào sẽ đúng hoặc sai. Chắc hẳn, ai trong mỗi chúng ta cũng phải trải qua khoảng thời gian khó khăn để đưa ra nhiều quyết định trong cuộc sống từ những việc nhỏ nhặt hằng ngày đến những việc quan trọng như học trường gì, gắn bó yêu thương ai,... Và dĩ nhiên, việc lựa chọn ngành nghề cho tương lai  cũng là một “dấu chấm hỏi” mà chúng ta luôn tìm kiếm câu trả lời. Có những người may mắn tìm được câu trả lời từ sớm, nhưng đa số chúng ta vẫn mãi loay hoay tìm kiếm lối đi cho riêng cho mình. Chẳng có luật lệ nào bắt ép chúng ta chỉ được làm một công việc duy nhất suốt cả cuộc đời, nhưng để tìm được một công việc mà mình muốn dành cả đời để theo đuổi hoặc ít nhất phù hợp với bản thân trong một khoảng thời gian dài thì không hề đơn giản như nhiều người vẫn suy nghĩ. 

 

Có thể, nguyên nhân là do việc lựa chọn nghề chịu tác động bởi nhiều yếu tố xung quanh như truyền thống gia đình, sự kỳ vọng của bố mẹ, bạn bè, vị trí địa lý,... Chính những điều này đẩy chúng ta vào một vòng xoáy vô tận mà lãng quên đi “Ai là người quyết định trong cuộc sống của chính mình?".

 

Theo tiến sĩ Ginzberg - tác giả của học thuyết nghề nghiệp (Career theory) thì sự hình thành định hướng công việc trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Từ thuở thơ ấu, trẻ em có thường có những ước mơ bay bổng như trở thành ca sĩ, kỹ sư hoặc bác sĩ,... Những công việc này thường rất phổ biến trong xã hội và được lựa chọn chủ yếu dựa trên sự hứng thú của trẻ.  Ở giai đoạn từ 11 - 17 tuổi, khi chúng ta bắt đầu tập trung và nhận thức tốt hơn thông qua những trải nghiệm thì việc lựa chọn ngành nghề được xem xét qua bốn tiêu chí: Sở thích (interest), khả năng (capacity), giá trị (value) và trách nhiệm (responsibility). Đây cũng là giai đoạn mà chúng ta tìm kiếm “con người bên trong” và thường cảm giác hoài nghi, ngần ngại, hoang mang. Khi bước vào độ tuổi trưởng thành, thị trường công việc, lương bổng, môi trường lại được quan tâm hơn bên cạnh các yếu tố khác trong con đường xây dựng sự nghiệp. Bên cạnh đó, con đường tìm kiếm câu trả lời này còn có thể diễn ra ở tất cả các giai đoạn giữa cuộc đời và sau khi nghỉ hưu. Do đó có thể thấy, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp là một công cuộc lâu dài, cần một khoảng thời gian dài để tìm hiểu và đề ra chiến lược hợp lý nhất cho bản thân để có được công việc mà mình mong muốn.  

 

Đối với sinh viên đại học, chúng ta đang trải qua giai đoạn “nhạy cảm” khi bị quá tải bởi nhiều áp lực xung quanh như gia đình, bạn bè, công việc làm thêm, học tập,... khiến chính bản thân mình rơi vào trạng thái khủng hoảng nhận dạng và phải luôn đặt câu hỏi “Mình là ai? Và mình sẽ làm gì khi tốt nghiệp?” Để phần nào giúp sinh viên vượt qua được giai đoạn này thì hiện nay có rất nhiều bài kiểm tra sở thích nghề nghiệp và công việc. Tuy nhiên, các bạn lưu ý các bài trắc nghiệm chỉ mang tính chất tham khảo và kết quả có thể thay đổi tùy vào quá trình trải nghiệm của các bạn. Một số trắc nghiệm bạn có thể tham khảo như:

- Mật mã Holland (Holland code test): Đây là bài kiểm tra được tiến sĩ  John Holland phát triển nhằm đánh giá sự tương thích về các nhóm sở thích nghề nghiệp và môi trường làm việc.  

Link: https://www.mynextmove.org/; https://www.onetonline.org/

- 16 personalities: Bài đánh giá đại diện cho 5 khía cạnh về tính cách ảnh hưởng đến thái độ và hành động của bạn. Từ đó, giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và đưa ra một số gợi ý về công việc phù hợp với bạn.

Link: https://www.16personalities.com/

- MBTI: Hệ thống trắc nghiệm tính cách được phát triển rất lâu đời, nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn một vài nhóm tính cách cơ bản và lựa chọn công việc một cách thông minh. 

Link: https://mbti.vn/

 

Đặc biệt, sinh viên nên dẫn thân trải nghiệm (experience) và chiêm nghiệm (reflection) lại các trải nghiệm để hiểu rõ hơn về bản thân. Cho bản thân cơ hội trải nghiệm những hoạt động có liên quan đến công việc mình muốn trong tương lai, chẳng hạn như nếu bạn yêu thích tổ chức sự kiện thì hãy đăng ký làm ban tổ chức các hoạt động do khoa, trường tổ chức; còn nếu bạn đam mê nghiên cứu thì hãy mạnh dạn ứng tuyển vào một phòng thí nghiệm mà bạn thấy phù hợp với định hướng của mình... Ngoài ra, các bạn cần nhìn nhận bối cảnh thực tế để có định hướng tốt hơn thông qua nguồn thông tin trên internet, hỏi thăm thầy cô, anh/chị, bạn bè đi trước, tham gia các hội thảo công việc.

 

Những gợi ý này có vẻ rất nhàm chán và “nhạt thếch” vì bạn đã nghe quá nhiều, nhưng nó rất hiệu quả để bạn có thể đánh giá và nhìn nhận xem liệu mình có thật sự thích công việc đó hay không? Hãy thử thật nhiều để biết mình cần gì nhất nhé!

 

Vào ngày 18.07.2020 sắp tới, khoa Sinh học-Công nghệ sinh học trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG-HCM sẽ tổ chức chương trình My Jobs lần thứ 4. Đây là một dịp tuyệt vời giúp các bạn sinh viên có cơ hội tìm hiểu các vị trí công việc, nhu cầu thị trường - và trên hết là nắm được yêu cầu về  kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp thông qua tương tác, trao đổi trực tiếp với các đại diện đến từ các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học sự sống. Đặc biệt lần đầu tiên xuất hiện trong My Jobs 2020 là hoạt động tư vấn hướng nghiệp 1:1 trực tiếp với các chuyên gia. Hy vọng các hoạt động này sẽ phần nào giúp các bạn có thêm định hướng để tìm kiếm được một sự lựa chọn công việc phù hợp cho bạn theo đuổi trong tương lai!

 
Người viết : Minh Tiến - Sinh viên lớp 17CSH
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273