Bio-science Gate là chương trình mở đầu cho chuỗi hoạt động của Bio-science In Harmony đã diễn ra vào Chủ nhật (8/11/2020) vừa qua tại Nhà văn hóa Sinh viên với sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên theo đuổi ngành Sinh học và Công nghệ sinh học, cũng như sự tham dự của các khách mời là thầy cô có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Chương trình khởi đầu với buổi tọa đàm về “Ý nghĩa của nghiên cứu khoa học (NCKH)” với sự góp mặt của 5 thầy cô là những nhà nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau:
- PGS. TS. Đặng Thị Phương Thảo: Trưởng Bộ môn CNSH phân tử và môi trường
- PGS. TS. Trần Văn Hiếu: Phó trưởng khoa Sinh học - CNSH
- PGS. TS. Nguyễn Đức Hoàng: Trưởng bộ môn Vi sinh
- TS. Nguyễn Thị Kim Dung: Trưởng Bộ môn Sinh thái- Sinh thái học tiến hóa
- TS. Nguyễn Thụy Vy:Trưởng Bộ môn Di truyền
Với sự dẫn dắt của ThS. Bùi Thị Như Ngọc - Phó Trưởng khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, buổi chia sẻ bắt đầu từ câu hỏi rất quen thuộc mà nhiều các bạn sinh viên vẫn luôn băn khoăn “NCKH là gì?”. Theo cô Đặng Thị Phương Thảo, NCKH không chỉ là những công việc trong phòng thí nghiệm, tiến hành những nghiên cứu trực tiếp để tạo ra những thành quả mới lạ, hoành tráng. Nghiên cứu còn có thể xuất phát từ những vấn đề thường nhật rất nhỏ mà bạn quan sát được thông qua việc tự đặt câu hỏi và mong muốn tìm lời giải đáp, hay việc muốn tìm thấy nguyên lý nào đó, cũng như bắt đầu tìm kiếm những tài liệu để tiếp thu thêm thông tin hữu ích. Thầy Nguyễn Đức Hoàng bổ sung thêm, NCKH là được làm điều mà mình muốn, mình thích để tìm ra câu trả lời cụ thể nào đó và luôn cảm thấy tự do, vui vẻ trong suốt quá trình nghiên cứu.
Tiếp sau đó, để trả lời cho câu hỏi “Đâu là bước khó nhất, đâu là bước dễ nhất trong NCKH”, thầy Trần Văn Hiếu đã điểm qua các bước cơ bản:
- Đặt đúng câu hỏi để nhìn nhận đúng vấn đề quan tâm
- Thu nhận những thông tin để nghiên cứu không chỉ trên sách vở mà còn đến từ những quy luật xung quanh trong đời sống
- Đưa ra cách tiếp cận trả lời câu hỏi và phân tích những điều mình thu thập được
- Tổng kết vấn đề (trả lời câu hỏi mình đặt ra/ nảy sinh một câu hỏi khác bổ trợ cho giải đáp câu hỏi của mình)
Thầy Hiếu nhìn nhận rằng bước khó nhất sẽ khác nhau tùy vào khả năng, quan điểm và kinh nghiệm của mỗi người. Cô Nguyễn Thị Kim Dung cũng chia sẻ rằng, khi mới bắt đầu, mọi thứ đều khó khăn nhưng sau một thời gian thực hành, kĩ năng và kinh nghiệm được cải thiện, những điều tưởng khó lại hóa dễ. Trong khi đó, đối với thầy Hoàng, điều khó nhất chính là kiên trì theo đuổi vấn đề nghiên cứu vì sự kiên nhẫn là một trong những đức tính quan trọng để dẫn đến thành công.
Vậy ở thời điểm thầy cô là những tân sinh viên, thầy cô có nhận ra các nhìn nhận về NCKH như bây giờ hay không? Các thầy cô chia sẻ, ở thời điểm trước đây, thông tin còn nhiều hạn chế, để quan tâm đến NCKH rất khó khăn. Chủ yếu quá trình NCKH của thầy cô đều được hình thành trong quá trình học tập và những thắc mắc, tò mò về kết quả trong các lần thí nghiệm. Ngoài ra, tập trung trong công việc và xác định điều mình yêu thích cũng không thể thiếu. Để tìm kiếm niềm đam mê ấy, các thầy cô đã nhắn gửi các bạn sinh viên hãy bắt đầu trải nghiệm sớm nhất khi có thể, tham gia các buổi seminar, đặt câu hỏi và tiếp thu thêm thông tin. Từ đó, các bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho bản thân rằng đâu mới là hướng đi thuộc về mình.
Bên cạnh đó, để hình dung rõ hơn về nhà nghiên cứu khoa học, các thầy cô đã lần lượt miêu tả chân dung của một người làm nghiên cứu. Hầu hết các thầy cô đều thống nhất một nhà nghiên cứu thực sự là người biết sống với đam mê, dám ước mơ và theo đuổi đến cùng những gì mình muốn biết. Cô Thảo đã chia sẻ, những nhà nghiên cứu thường có xuất phát điểm từ tính tò mò, muốn tìm kiếm những kiến thức mới vượt ra ngoài sách vở và những bài học, kiểm tra trên lớp; cũng như họ sẽ có được những niềm vui khi đã tìm được câu trả lời cho bản thân. Trong khi đó, cô Vy đề cao tính kỷ luật, sáng tạo, trung thực với kết quả và đặc biệt là khả năng hệ thống lại kiến thức. Đối với cô, đây là những đức tính không thể thiếu ở một người làm nghiên cứu. Ngoài ra, cô Dung bổ sung thêm, một nhà nghiên cứu có thể là người “xem lab là nhà” nhưng cũng không ít người “chu du thiên hạ” để khám phá và tìm câu trả lời cho các vấn đề nghiên cứu, nhất là đối với bộ môn Sinh Thái!
Để kết thúc buổi trò chuyện, các thầy cô đã cùng nhau gửi gắm những lời chia sẻ và nhắn nhủ thật bổ ích dành cho các bạn sinh viên và hy vọng các bạn tìm ra được con đường đi dành riêng cho bản thân mình.
Thay vì phải cố gắng để trả lời các câu hỏi như:chúng ta có thể chưa biết chắc mình thích điều gì? Mình có phù hợp với NCKH không?,...chúng ta hãy cho mình các cơ hội trải nghiệm, tham gia hết mình trong các chương trình và tự chiêm nghiệm lại….
Những bài học và chia sẻ quý báu của các thầy cô không chỉ cung cấp thêm nhiều thông tin, kiến thức mà còn tạo niềm cảm hứng và động lực to lớn cho các bạn sinh viên. Đây chính là món quà lớn nhất mà thầy cô đã tặng chúng ta trong ngày chủ nhật vừa qua!