UNIVERSITY OF SCIENCE

Campus 1: 227 Nguyen Van Cu Street, Ward 4, District 5, Ho Chi Minh City

Campus 2: Linh Trung, Thu Duc District, Ho Chi Minh City

Bộ môn Sinh hóa

Trưởng Bộ môn: PGS. TS. Ngô Đại Nghiệp

Email: ndnghiep@hcmus.edu.vn

Từ khi được thành lập vào năm 1963, Bộ môn Sinh Hóa đã không ngừng đổi mới, phát triển với hai nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu khoa học và đào tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của Khoa Sinh Học, Trường ĐH KHTN, ĐHQG – HCM.

Hiện nay, với lực lượng đông đảo các tiến sĩ trẻ vững chuyên môn, năng động và nhiệt huyết, Bộ môn Sinh Hóa đã và đang phát triển 5 hướng nghiên cứu cơ bản gồm: Công nghệ enzyme, Chuyển hóa hợp chất thứ cấp – Cải biến con đường chuyển hóa, Sinh hóa miễn dịch, Năng lượng sinh học và Các hợp chất có hoạt tính sinh học. Những kết quả từ các hướng nghiên cứu này không những đóng góp thêm vào tri thức thuộc chuyên ngành Sinh Hóa, mà còn góp phần phát triển những ứng dụng trong 5 lĩnh vực quan trọng của đời sống là: nông nghiệp, năng lượng xanh, thực phẩm, y dược và môi trường.

Trong đó, hướng Công nghệ enzyme nghiên cứu thu nhận và khảo sát các đặc tính của enzyme dạng dại và enzyme tái tổ hợp có khả năng ứng dụng trong y dược, nông nghiệp, xử lý môi trường và thực phẩm; đồng thời, hướng nghiên cứu cũng nghiên cứu các phương pháp tinh sạch enzyme có giá trị kinh tế.

Hướng Chuyển hóa hợp chất thứ cấp – Cải biến con đường chuyển hóa chú trọng nghiên cứu quá trình tổng hợp các hợp chất thứ cấp dễ bay hơi (các hợp chất terpenoid, hợp chất hương thơm) qua đó cải biến con đường sinh tổng hợp các hợp chất thứ cấp có giá trị ứng dụng cao ở thực vật và vi khuẩn.

Hướng Sinh hóa miễn dịch giải quyết hai mục tiêu chính: nghiên cứu cơ chế miễn dịch kháng nhiễm trùng không dùng thuốc kháng sinh và nghiên cứu cơ chế miễn dịch của cây thuốc dân gian Việt Nam trong ngăn ngừa và điều trị bệnh nhiễm trùng, ung thư, rối loạn tiêu hóa và bệnh tự miễn.

Hướng Năng lượng sinh học tiềm kiếm và thu nhận hỗn hợp vi sinh vật lên men tạo khí hidrô, đồng thời nghiên cứu sản xuất khí hidrô nhiên liệu bằng con đường lên men tối.

Hướng Các hợp chất có hoạt tính sinh học có hai mục tiêu quan trọng:  Thu nhận các hợp chất có hoạt tính sinh học dựa trên nghiên cứu cô lập các hợp chất tự nhiên từ thực vật, động vật và vi sinh vật, cải biến cấu trúc hóa học của các hợp chất polysaccharide tự nhiên và tổng hợp hạt nano bằng phương pháp sinh học; Nghiên cứu các hoạt tính sinh học (kháng khuẩn, kháng vi nấm, chống oxi hóa, kháng viêm, ức chế enzyme,…) của các hợp chất thu nhận được hướng đến ứng dụng trong nông nghiệp, thực phẩm, mỹ phẩm và y dược.

Về đào tạo, Bộ môn Sinh Hóa chịu trách nhiệm đào tạo đại học và sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) với phương châm không ngừng đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với xu thế phát triển chung của nền đào tạo đại học, sau đại học, hướng đến đáp ứng các chuẩn kiểm định khu vực và quốc tế, trên cơ sở giữ vững và phát huy chất lượng của từng môn học và của toàn chuyên ngành đào tạo.

  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273
  • (028) 38 355 273